Mặc dù Mặt Trăng quay quanh Trái Đất đều đặn mỗi tháng một vòng và Trái Đất sẽ nằm giữa Mặt Trời và Mặt Trăng vào ngày rằm, nhưng do mặt phẳng quỹ đạo của Mặt Trăng lệch một góc 1,54 độ chứ không đồng phẳng, nên hiếm khi ta mới quan sát được nguyệt thực, còn lại chỉ là Trăng rằm sáng.

Vị trí của Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng khi xảy ra Nguyệt thực toàn phần.

Quan sát nguyệt thực ở Việt Nam
Nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ sẽ diễn ra vào rạng sáng ngày 28 tháng 7 tại Việt Nam. Toàn bộ người dân sống trên lãnh thổ Việt Nam đều quan sát được hiện tượng thiên văn thú vị này. Ngoài ra, khu vực Nam Á và Tây Á, Đông Phi và Nam Phi cùng một phần Châu Âu và Đông Á cũng quan sát được.
Để quan sát nguyệt thực toàn phần ở Việt Nam, bạn hãy nhìn vào Mặt Trăng trên bầu trời từ nửa đêm cho đến sáng. Mặt Trăng sẽ dần tối đi, chuyển màu đỏ rồi nhả màu và sáng trở lại bình thường trong suốt đêm.
Thời gian cụ thể như sau: • 00:14, Bắt đầu pha nửa tối. Mặt Trăng đi vào vùng nửa tối của Trái Đất, bề mặt của nó sẽ bị giảm độ sáng.
• 01:24, Bắt đầu pha một phần. Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất, bắt đầu chuyển sang màu đỏ cam.
• 02:30, Bắt đầu pha toàn phần. Mặt Trăng nằm hoàn toàn trong vùng bóng tối của Trái Đất, bề mặt có màu đỏ cam.
• 03:21, Cực đại nguyệt thực. Mặt Trăng nằm sâu nhất trong vùng bối tối của Trái Đất.
• 04:13, Kết thúc pha toàn phần. Mặt Trăng bắt đầu rời vùng bóng tối của Trái Đất, bề mặt dần nhả màu.
• 05:19, Kết thúc pha một phần. Mặt Trăng rời vùng bóng tối của Trái Đất, bề mặt dần bị giảm độ sáng.
• 06:28, Kết thúc pha nửa tối. Mặt Trăng rời vùng nửa tối của Trái Đất, bề mặt dần trở lại như bình thường.
Theo đó, bạn sẽ không quan sát được pha cuối cùng của nguyệt thực vì lúc này Mặt Trăng đã lặn và Mặt Trời đã mọc, trời đã sáng và ban ngày đã đến. Tuy nhiên, pha này không quá đặc biệt vì nó chỉ là thời điểm Mặt Trăng chuyển từ bề mặt tối trở lại sáng như bình thường.
Pha toàn phần của lần nguyệt thực này kéo dài đến 103 phút và khiến nó trở lại lần nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ. Lần này, Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất mà lại đi ở gần trung tâm của vùng, nên sẽ mất thời gian lâu để đi qua khỏi vùng này. Các lần nguyệt thực toàn phần khác nếu Mặt Trăng chỉ đi qua vùng rìa của vùng bóng tối, thì thời gian toàn phần sẽ ngắn đi.
Các lưu ý khi quan sát nguyệt thực
Chúng ta có thể quan sát được nguyệt thực toàn phần bằng mắt thường mà không sợ bị hư hỏng mắt như quan sát nhật thực, vì quan sát nguyệt thực cũng như chúng ta ngắm Trăng rằm vào mỗi tháng, ánh sáng Mặt Trăng rất dịu nhẹ nên không làm hại cho mắt. Tuy nhiên, bạn cũng có thể quan sát qua ống nhòm hoặc kính thiên văn để nhìn thấy rõ bề mặt Mặt Trăng hơn.
Để quan sát nguyệt thực thuận lợi, hãy chú ý theo dõi các bản tin dự báo thời tiết từ trước. Nếu bầu trời nhiều mây và không thấy Mặt Trăng, cơ hội quan sát được nguyệt thực là rất thấp. Ngoài ra, cũng cần rời xa trung tâm thành phố vì nhà cao tầng và ánh đèn đô thị có thể gây ảnh hưởng ít nhiều cho buổi quan sát…

Cơ hội xem các lần nguyệt thực tiếp theo tại Việt Nam
Vào tháng 7 năm 2019, Việt Nam sẽ một lần nữa được quan sát nguyệt thực nhưng chỉ là nguyệt thực một phần, Mặt Trăng sẽ không nhuộm trọn vẹn bề mặt thành màu đỏ như nguyệt thực toàn phần.
Tiếp theo đó vào tháng 5 năm 2021, miền nam Việt Nam sẽ quan sát được nguyệt thực toàn phần với pha toàn phần kéo dài 14 phút, trong khi miền bắc Việt Nam chỉ quan sát được pha một phần của lần nguyệt thực này.
Năm 2021 Việt Nam sẽ quan sát được nguyệt thực một phần trong khi cuối năm 2022 toàn bộ Việt Nam sẽ tiếp tục được quan sát nguyệt thực toàn phần. Nguyệt thực một phần diễn ra khá thường xuyên, trong khi nguyệt thực toàn phần với hình ảnh quan sát đẹp mắt ít diễn ra hơn.