Theo báo Mỹ New York Times, các nhà khoa học Ý đang làm việc tại sứ mệnh Mars Express của Cơ quan Vũ trụ hàng không châu Âu hôm qua (25/7) tuyên bố rằng radar đã phát hiện ra có một hồ chất lỏng dưới lòng đất rộng 12 dặm (gần 12 km) – không phải là các điểm ẩm tạm thời đã từng thấy trong quá khứ – ở gần cực Nam của Sao Hoả.
“Ở đó có nước”, ông Enrico Flamini, nhà khoa học của Cơ quan Không gian Italia, người giám sát nghiên cứu này, tuyên bố tại cuộc họp báo hôm qua.
“Đó là chất lỏng, mặn và nó tiếp xúc với đá”, ông Flamini nói thêm. “Ở đó có tất cả các nguyên liệu để nghĩ rằng sự sống có thể tồn tại hoặc có thể được duy trì ở đó nếu như sự sống từng tồn tại trên Sao Hoả”.
Hồ nước này rõ ràng là tương tự như các hồ ngầm được phát hiện trên Trái Đất ở Greenland và Nam Cực. Trên Trái Đất, vi sinh vật sống trong vùng nước tối, lạnh lẽo của một cái hồ như vậy. Tảng băng trên Sao Hỏa cũng sẽ che chắn cho hồ ở đó khỏi bức xạ gây hại, phá hủy bề mặt của hành tinh.
Ông Jonathan Lunine, Giám đốc Trung tâm Vật lý thiên văn và Khoa học hành tinh thuộc đại học Cornell (Mỹ), người không liên quan đến nghiên cứu này, nói rằng phát hiện trên biến Hành tinh đỏ từ một hành tinh bụi thành một “thế giới đại dương” khác trong hệ Mặt trời.
“Tôi nghĩ chúng ta càng khám phá Sao Hoả sẽ càng thấy nó phức tạp và hấp dẫn”, tiến sĩ Lunine nói.
Trong suốt nhiều năm, “theo dấu vết của nước” đã là triết lý của NASA trong việc tìm kiếm sự sống ở đâu đó ngoài Trái Đất. Như chúng ta đều biết, không có nước thì không có sự sống. Trong những năm gần đây, NASA đã đưa các robot tự hành lên các mặt trăng của Sao Mộc và Sao Thổ, nơi chúng ta hiện đã biết được rằng có tồn tại biển mặn ở dưới bề mặt lớp vỏ băng mỏng và các nhà sinh vật học giàu tưởng tượng có thể hình dung ở đó có vi khuẩn hoặc nhiều sinh vật phức tạp hơn từng tồn tại.
Vì con người có thể nhìn thấy khắp không gian qua kính thiên văn, Sao Hỏa đã là nơi trú ẩn yêu thích của cuộc sống tưởng tượng, là sân sau ngay bên kia hàng rào, nơi nhà thiên văn học Percival Lowell tưởng tượng ông có thể nhìn thấy các con kênh và thậm chí cả các thành phố trên quả cầu màu cam. Vào các buổi tối cuối cùng của tháng này, Sao Hoả hiện ra lờ mờ như một chiếc đèn lồng đỏ ở phía Đông, cách Trái Đất chỉ 35.784.871 dặm – gần nhất trong 15 năm qua.
Những viễn tưởng khoa học ban đầu này đã tan vỡ khi các bức ảnh đầu tiên của hành tinh chụp ra từ tàu vũ trụ lộ ra một bề mặt khô khốc, toàn miệng núi lửa và vô hồn – một hành tinh dường như đã chết. Trong lịch sử thăm dò Sao Hỏa kể từ đó, chúng ta càng học hỏi nhiều, chúng ta càng nghĩ rằng nó có thể có một quá khứ có lẽ là có nước, tức tồn tại sự sống. Bề mặt hành tinh này được phát hiện có hẻm núi, bãi biển, lưu vực đại dương và núi lửa khổng lồ, những vụ phun trào. Nước này đã chảy đi đâu và như thế nào là một trong những bí ẩn môi trường tuyệt vời và đáng ngại của thời đại chúng ta.
Nếu sự sống đã nảy sinh từ những điều kiện ấm áp ban đầu này, nó có thể đã di chuyển dưới lòng đất khi bề mặt được làm mát và khô hạn. Và nếu Sao Hoả đã từng bị chất lỏng quét qua, thì nó cũng quét sạch luôn cả sự sống? Nếu các phi hành gia từng giẫm lên cát đỏ thì liệu họ cũng sẽ giẫm lên hoá thạch của vi sinh vật?
Tuy nhiên, những phát hiện hiện tại “không thể nói gì nhiều hơn”, tiến sĩ Flamini nói. “Chúng ta có thể đoán về các điều kiện ở đó là gì và liệu rằng các điều kiện đó có thuận lợi cho sự sống hay không?”
Roberto Orosei, đồng tác giả của nghiên cứu xuất bản hôm qua (25/7) trên tạp chí Science, nói rằcác nhà khoa học không thể đo đạc độ sâu của hồ nhưng nó ít nhất phải sâu 1 mét theo các xung radar phản hồi lại. Ông cho biết tính toán trên lý thuyết thì hồ chứa đến vài trăm triệu mét khối nước, có nghĩa hàng chục tỷ gallon nước.
Radar khám phá Sao Hoả có tên là Marsis được các nhà khoa học Italia trong sứ mệnh Mars Express chế tạo, đã đi vào quỹ đạo quanh Sao Hoả từ năm 2003. Kể từ khi hoạt động, nó đã gửi lại về những phát hiện không chắc chắn, nhất quán về vùng cực này. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện ra cách gửi về Trái Đất cơ sở dữ liệu thô. Nó cho thấy những phản xạ sáng trong một khu vực hình tam giác khi tàu vũ trụ đi qua nhiều lần. Áp lực mạnh mẽ của băng đá bề mặt sẽ làm ấm băng. Các mô hình máy tính chỉ ra rằng nhiệt độ sẽ vào khoảng -90 độ F , tức –67 độ C – lạnh hơn điểm nóng chảy của nước. Điều đó cho thấy rằng nước đầy muối, cho phép nó tan chảy. Trong khu vực có dấu hiệu của một lưu vực, cho phép suy đoán rằng nước lỏng đã chảy vào đó.
Tiến sĩ Orosei nói rằng các nhà khoa học đã kiểm tra các giải thích khả năng, như đá CO2, là nguyên nhân của phản xạ sáng, nhưng những điều này lại không phù hợp với quan sát của radar. Các tín hiệu đã phù hợp với các phép đo radar của các hồ băng ngầm ở Greenland và Nam cực.
Do vậy các nhà khoa học đã đi đến kết luận rằng chỉ có một giải thích cho hiện tượng phản chiếu sáng là sự hiện diện của nước lỏng.
Minh Hà