Hiện nay, hoạt động khoa học và công nghệ phần lớn được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Bình quân hàng năm, đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ với mức kinh phí vào khoảng 1,4-1,85% tổng chi ngân sách nhà nước, chiếm khoảng 0,4-0,6% GDP.
Trong tổng đầu tư quốc gia cho nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ là 13.390,6 tỷ đồng thì đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm hơn một nửa: 7.591,6 tỷ đồng (tương đương 56,7%), trong khi nguồn đầu tư từ doanh nghiệp là 5.597,3 tỷ đồng đạt 41,8%, còn lại chỉ có 201,7 tỷ đồng (tương đương 1,5%) là từ nguồn vốn nước ngoài.
Nhìn chung, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng, và trong tổng đầu tư cho khoa học và công nghệ chủ yếu đầu tư tập trung vào: Đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật, các nhiệm vụ Nhà nước ở mức 50%; Con người chiếm – 25%; Đầu tư để hỗ trợ đề tài cấp Bộ, ngành – 15%; Đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất – 15%.
Theo báo cáo của Bộ KHCN thì ngân sách trung ương thường chiếm tỷ trọng từ 70-75% và ngân sách địa phương chiếm tỷ trọng 25- 30%.

GS.TS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ trong buổi gặp gỡ các nhà khoa học, nghiên cứu.

Trên thực tế, trong vòng hai năm 2016-2017, TP.HCM đã chi ra ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng cho việc đầu tư, hỗ trợ cho lĩnh vực khoa học công nghệ (nghiên cứu khoa học), khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…. So với cả nước, TP.HCM có số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chiếm 42%; doanh nghiệp khoa học – công nghệ chiếm 15%; nguồn nhân lực khoa học công nghệ chiếm hơn 25%… Đây là những điều kiện tốt để thúc đẩy việc phát triển mảng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ngoài ra các hoạt động nghiên cứu sáng tạo cũng như hoạt động kết nối 3 nhà ( Nhà nước – Nhà nghiên cứu – Nhà doanh nghiệp) rất tích cực và đang được kỳ vọng mang đến nhiều hiệu quả.
Vừa qua, ngày 24/7, UBND TP.HCM và ĐHQG TP.HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt có nhiều vấn đề đang được người dân thành phố quan tâm như ùn tắc giao thông, ngập nước, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường,…
Theo đó, ĐHQG TP.HCM và UBND TP.HCM sẽ hợp tác thực hiện 8 chương trình cụ thể như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Cải cách hành chính; Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP.HCM; Giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông; Giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Giảm ô nhiễm môi trường; Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ giữa ĐHQG TP.HCM với Khu Công nghệ Cao TP.HCM; Phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến 2030.Trong buổi gặp gỡ và trao đổi với cộng đồng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và cán bộ giảng viên trên địa bàn Thành phố cùng với Sở KHCN TP.HCM vào ngày 9/8, GS.TS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết đây là buổi ký kết mới đây vừa qua là lần ký kết lần thứ 3 của ĐHQG TP.HCM với UBND TP.HCM. Kết quả thu nhận được từ 2 lần ký kết trước được đánh giá đã mang đến nhiều thành tựu quan trọng tuy nhiên cùng với đó là vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biết là cơ chế chính sách, cơ chế hợp tác để phát huy tiềm lực nghiêm cứu khoa học của các trường đại học trên địa bàn. Trong 8 nội dụng đã ký kết thì đều gắn liền với 7 chương trình đột phá của Thành phố.
Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, TP.HCM cũng có chủ trương gắn kết trường viện, các nhà nghiên cứu với doanh nghiệp tuy nhiên mô hình này chưa vận hành trơn tru. Phần lớn hiện nay sự chủ động đang đến từ phía các nhà nghiên cứu, các thầy cô trong trường đại học, nhà nước tạo điều kiện nhưng chưa thực sự hiệu quả cho nên cần những buôi gặp gỡ giữa 3 bên chính quyền – doanh nghiệp và nhà nghiên cứu khoa học để đối thoại tháo gỡ vướng mắc.
Sở KHCN TP.HCM – Đầu não của hoạt động nghiên cứu khoa học
Trước những yêu cầu của Thành phố về việc phối hợp 3 bên trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Giám đốc sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng đã từng có câu trả lời cụ thể tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khóa IX khi chỉ ra rằng, kết nối giữa nhà khoa học và doanh nghiệp luôn là vấn đề nhức nhối trong nhiều nhiệm kỳ của lãnh đạo Sở KHCN.
Sở KHCN ưu tiên xét duyệt đề tài khu vực trường viện và doanh nghiệp. Điều đầu tiên nhắm đến hiệu quả thực sự của các dự án này và giúp được hoạt động của doanh nghiệp đồng thời nâng cao khả năng nghiên cứu của trường viện. Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều vấn đề khiến sự kết nối này chưa thực hiệu quả. Một trong những yếu tố đánh giá sự thành công của đổi mới sáng tạo đó chính là văn hóa hợp tác và chia sẻ, nhưng chúng ta chưa thực sự làm tốt điều này. Ngoài ra, vai trò của nhà nước với các chính sách tài trợ, dài hơi, trọng điểm và ngân sách dồi dào đồng kết hợp sự tham gia của doanh nghiệp.

Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng

Trong buổi gặp gỡ các nhà khoa học tại ĐHQG TP.HCM ngày 9/8 vừa qua, Giám đốc sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng cho biết rằng, trong giai đoạn vừa qua TP.HCM thiết kế khá nhiều chính sách, tuy nhiên chúng chưa “xâm nhập” nhiều vào trong thực tiễn, thông tin để doanh nghiệp. viện trường tiếp xúc còn hạn chế, tính hướng đối tượng còn kém nên chưa thực sự lan tỏa.
Sở KHCN với tầm nhìn hiện nay là xây dựng hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo đặc thù cho TP.HCM với nhiều lớp khác nhau. Trong đó đầu tiên đặt nền tảng cho mọi hoạt động là chính sách nhà nước, rồi tiếp theo là hạ tầng dịch vụ cung cấp cho các hoạt động nghiên cứu KHCN và giáo dục đào tạo.
Lớp tiếp theo được đánh giá quan trọng nhất chính là chương trình liên kết khu vực đào tạo nghiên cứu với thị trường. Từ những nền móng vững chắc đó thì môi trường ươm tạo và môi trường thử nghiệm mới có thể phát triển sẽ trở thành nơi bùng nổ các công ty khởi nghiệp rồi phát triển thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cao hơn là doanh nghiệp dẫn đầu.
Để thực hiện về triển khai các chương trình nghiêm cứu khoa học, Sở KHCN TP.HCM đã tham mưu Thành phố ban hành 4 chương trình KHCN chính giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2025 nhằm tăng chất lượng nghiên cứu, hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Theo báo cáo của Sở KHCN tại cuộc họp kỳ họp thứ 9 – HĐND Thành phố khóa IX diễn ra vào sáng ngày 12/7 thì trong giai đoạn vừa qua, 90% đề tài được áp dụng trong thực tế. Trong số này thì có 33%, đối với những nghiên cứu mang tính nền tảng thì có thể được sử dụng mang tính lâu dài.
Cũng theo ông Dũng, những đề tài được xét duyệt bởi Sở KHCN luôn có tiêu chí hàng đầu là đề tài nghiên cứu phải có ứng dụng thiết thực với những vấn đề thành phố đang cần.
Trong hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học, Sở KHCN đang triển khai các hoạt động hỗ trợ hình thành và hoạt động hệ sinh thái khởi nghệp TP.HCM, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp thông qua Chương trình Hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (SpeedUp); Thúc đẩy hoạt động truyền thông như tổ chức Lễ công bố Giải thưởng ĐMST và khởi nghiệp (I-Star) năm 2018; Lễ công bố Cuộc thi Khởi nghiệp ĐMST du lịch TP.HCM…

Ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ các chính sách mà TP.HCM đang hỗ trợ  các nhà nghiên cứu, nhà khoa học.

Ngoài ra, đại diện Sở KHCN TP.HCM cũng nhấn mạnh quan điểm rằng “cần có sự tham gia, đồng hành sâu hơn nữa của các doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp không chỉ đặt hàng với các nhà khoa học mà còn cần góp vốn, đồng hành với nhóm nghiên cứu trong cả quá trình”.
Trong thực tế nghiên cứu hiện nay, nhà trường hay các viện nghiên cứu chỉ mới dừng ở việc hoàn thành ý tưởng khoa học và chứng minh nó hoạt động. Cho nên kết quả nghiên cứu chỉ mới dừng được ở việc cho ra mô hình minh họa mà chưa thực sự hoàn thiện trở thành một sản phẩm có khả năng xuất hiện trên thị trường.
“Nhiều doanh nghiệp được giới thiệu bởi Sở KHCN đánh giá về đề tài KHCN của các nhà nghiên cứu rất hay nhưng sản phẩm họ mang đến thì doanh nghiệp không thể sử dụng được. Các nhà nghiên cứu đang thiếu một quy trình hoàn thiện sản phẩm thương mại từ tính năng cho đến thiết kế”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Sở KHCN TP.HCM cũng yêu cầu các chương trình nghiên cứu, giải mã, chuyển giao KHCN phải đặt bài toán hiệu quả lên hàng đầu không chỉ giải quyết các vấn đề của Thành phố còn phải đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tính hiệu quả còn được thể hiện bởi khả năng thương mại hóa các sản phẩm được tạo ra từ các đề tài nghiên cứu khoa học.
Vẫn chưa có “Ngôi nhà chung” để giới thiệu và giao dịch ý tưởng?
GS.TS Lê Chí Hiệp đến từ Đại học Bách khoa TP.HCM rất tâm đắc với câu chuyên biến đề tài nghiên cứu trở thành sản phẩm thương mại, tuy nhiên trong quá trình hoàn thiện thì nhà nghiên cứu thường không thể làm một mình được.
“Nhà khoa học mang tính chất đặc thù nên doanh nghiệp hay nhà nước cần có những hoạt động hợp tác, hỗ trợ để hoàn thiện sản phẩm thương mại hóa cuối cùng”, giáo sư Hiệp trăn trở.
Với những chương trình dài hơi, theo khuyến nghị của giáo sư Hiệp, ban chủ nhiệm của 4 chương trình mục tiêu mà Sở KHCN TP.HCM đã thành lập nhất thiết “cần có quyền lực hơn, phải xác định sản phẩm mục tiêu là gì, có trọng tâm phục vụ hẳn hoi, để từ đó xác định việc cụ thể phải làm”.

Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đều cho rằng hiện nay mô hình 3 nhà ( nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp) vẫn hoạt động riêng lẻ, rời rạc. Để các đề tài nghiên cứu trở nên hiệu quả hơn, GS.TS Nguyễn Thị Giành – Đại học Kinh tế Mở TP.HCM đề nghị nhà nước phải tạo ra sự kết nối của các nhà khoa học, viên nghiên cứu.
Trước tiên là để cùng góp sức trong việc thực hiện 7 chương trình đột phát của Thành phố , để từ đó mở rộng ra đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp. Các nhà khoa học cũng đề xuất thực hiện một số đề tài cụ thể mà có sự gắn kết chặt chẽ của mô hình 3 nhà, nhất là các ứng dụng, sản phẩm phục vụ, giải quyết hàng loạt vấn đề xã hội mà Thành phố đang gặp phải. Giám đốc Nguyễn Việt Dũng cho biết Sở KHCN TP.HCM luôn ủng hộ các đề tài của các nhà khoa học nhằm đóng góp cho Thành phố, tuy nhiên hiện nay các đơn vị nghiên cứu vẫn còn hoạt động mang tính đơn lẻ, thiếu đầu tàu dẫn dắt. Hiện nay, các nhà khoa học có thể lựa chọn một đề tài thực sự cụ thể, xác định tính trọng tâm rồi cùng kết hợp nhau để phát triển thành ứng dụng, sản phẩm thực tế. Điều này không chỉ mang đến tính gắn kết mà còn hiệu quả trong việc tiết kiệm nguồn lực, tăng hiệu quả trong nghiên cứu. Điều này còn giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu về nghiên cứu, phát triển sản phẩm.
Điều này cũng chỉ ra một vấn đề thực tế hiện nay là doanh nghiệp và nhà khoa học chưa có một ngôi nhà chung để giới thiệu về ý tưởng cũng như đưa ra những yêu cầu cụ thể.
Để giải quyết vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Mai – Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM đề xuất một trung tâm giao dịch được điều hành bởi các chuyên gia am hiểu nhu cầu doanh nghiệp và tính ứng dụng thực tế của các đề tài nghiên cứu khoa học. Đây là mô hình đã hoạt động rất hiệu quả tại Mỹ cũng như Đài Loan, Hàn Quốc.