Lợi thế của việc dùng SIM nội địa của nước chủ nhà Nga so với cách người Việt Nam đăng ký roaming sẽ có giá cước tiết kiệm hơn nhiều lần, kể cả trong một số trường hợp gọi từ Nga ra nước ngoài… Mặc dù các nhà mạng Nga cũng không có chương trình nào đặc biệt cho fan bóng đá nhưng chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm với SIM dành cho du khách.
Không khó để tìm một cửa hàng bán thẻ SIM ở Nga. Như ở sân bay Domodedovo khi vừa lấy hành lý nhập cảnh vào Moscow, chúng ta có thể tìm thấy cửa hàng chuyên bán điện thoại, phụ kiện, và SIM… trên tầng 2 của sảnh ra tên là Svyaznoy, đặc điểm nhận dạng là biển hiệu màu xám với tên viết bằng tiếng Nga: связной. Đây cũng được đánh giá là chuỗi cửa hàng lớn nhất trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó các nhà mạng cũng có cửa hàng riêng của mình. Ở Nga có 3 nhà mạng lớn nhất và phổ biến nhất, đó là MTS, MegaFon và Beeline. MTS có các cửa hàng biển hiệu màu đỏ đặc trưng với tên viết là МТС, MegaFon có các cửa hàng biển hiệu màu xanh lá đặc trưng với tên viết là мегафон, trong khi Beeline có các cửa hàng biển hiệu hình cầu vằn vàng đen quen thuộc với tên viết là Билайн.
Hệ thống cửa hàng điện thoại, phụ kiện, SIM thẻ ở Nga tên là Svyaznoy có đặc điểm nhận dạng là biển hiệu màu xám với tên viết bằng tiếng Nga: связной. |
MTS có các cửa hàng biển hiệu màu đỏ đặc trưng với tên viết là МТС, trong khi Beeline có các cửa hàng biển hiệu hình cầu vằn vàng đen quen thuộc với tên viết là Билайн. |
MegaFon có các cửa hàng biển hiệu màu xanh lá đặc trưng với tên viết là мегафон. |
Phóng viên ICTnews tìm được một cửa hàng MegaFon dưới khu đường hầm đi bộ gần Quảng trường Đỏ, trong khi cũng thấy một cửa hàng MTS ngay trong khu căn hộ – khách sạn của Tổ hợp đa năng Hà Nội – Mátxcơva nổi tiếng của người Việt.
Và mặc dù biển hiệu nhận biết bằng tên tiếng bản địa như vậy nhưng du khách có thể yên tâm là nhân viên trong hầu hết các cửa hàng SIM thẻ ở Nga nói tiếng Anh rất tốt, nhất là những cửa hàng ở khu trung tâm, chúng ta có thể trao đổi khá thoải mái bằng tiếng Anh thậm chí chọn số mình thích.
Ví dụ khi mới xuống sân bay, phóng viên ICTnews được cửa hàng Svyaznoy đưa cho một thẻ SIM Beeline mà không để ý số nào, nhưng đến khi mua SIM MegaFon thì đã rút kinh nghiệm để chọn số đuôi 38 yêu thích…
Để mua SIM, thủ tục không có gì phức tạp, du khách chỉ cần đưa cho người bán hàng cuốn hộ chiếu để được đăng ký thông tin. Giá SIM thẻ cũng chia theo từng mức dung lượng data được hưởng ban đầu, nhưng chắc hẳn 10 GB là đủ cho khoảng thời gian du lịch 2 tuần.
Giá dao động khoảng 300 đến 500 rub, tương đương khoảng 110.000 đồng đến 183.000 đồng cho một thẻ SIM cỡ 10 GB data tùy nhà mạng. Du khách sẽ không cần kích hoạt gì để dùng được data, miễn là điện thoại sẵn sàng cho 3G và 4G, dù tất nhiên để dễ dàng nhất chúng ta có thể đưa điện thoại cho nhân viên bán hàng lắp SIM và kiểm tra hộ.
Giá dao động khoảng 300 đến 500 rub, tương đương khoảng 110.000 đến 183.000 VNĐ cho một thẻ SIM cỡ 10 GB data tùy nhà mạng. |
Về số điện thoại ở Nga, người ta dùng đầu 8 để gọi nội địa giống như đầu 0 của Việt Nam. Nếu nhắn số điện thoại về cho người nhà ở Việt Nam thì chúng ta thay đầu 8 bằng đầu 7, vì đầu 7 là mã điện thoại quốc gia của Nga giống như 84 của Việt Nam.
Số điện thoại ở Nga giờ đã đồng nhất là 10 số nhưng không bao gồm đầu 8. Trong 10 số thì 3 số đầu là mã mạng hoặc mã vùng, ví dụ mạng Beeline có mã 903, mạng MTS thường có mã 91x, còn mạng MegaFon thường có mã 92x và 93x. Hay như mã vùng điện thoại cố định của Moscow là 495, 496, 498 và 499.
Nhìn chung về trải nghiệm ban đầu thì SIM MegaFon vẫn dùng data 4G tốt nhất, giúp chúng ta truy cập Internet thoải mái, trong khi trong 3 nhà mạng thì Beeline có tốc độ truy cập Internet có phần chưa ổn định cho lắm. Nhưng nếu để nghe gọi với bạn bè người thân ở Nga thì SIM Beeline cũng hoàn toàn ok.