GLC là mẫu SUV hạng sang ăn khách tại thị trường Việt Nam. Ảnh : MBV

Thông tin từ Cục Đăng kiểm, chiến dịch triệu hồi dòng xe GLC vừa được phê duyệt giữa tháng 7. Theo đó, sẽ có 765 chiếc GLC 250 4MATIC và GLC 300 4MATIC để kiểm tra và khắc phục hiện tượng mất nguồn tiếp điện âm của trục dẫn động lái điện vô lăng lái và cụm mô-đun công tắc thuộc hệ thống tín hiệu điều khiển túi khí lắp trên trục dẫn động vô lăng lái để ngăn ngừa túi khí lắp trên vô lăng lái có thể bị kích hoạt trong một số điều kiện nhất định. 
Tất cả các xe GLC trong diện triệu hồi được sản xuất, lắp ráp tại nhà máy của Mercedes – Benz Việt Nam trong khoảng thời gian từ tháng 6/2017 đến tháng 9/2017.
Theo khuyến cáo, trên một số xe GLC bị ảnh hưởng, do chất lượng mô-đun công tắc và cuộn dây từ nhà cung cấp phụ tùng nên trong trường hợp trục dẫn động lái điện của vô lăng lái bị thiếu tiếp xúc nguồn điện âm (thiếu mass) và đồng thời cuộn dây dẫn điện điều khiển túi khí được lắp trên cụm công tắc đa chức năng bị đứt/hỏng thì đèn báo túi khí bật sáng và túi khí có thể kích nổ mất kiểm soát trong một số trường hợp nhất định như khi có sự tích điện do quá trình ma sát từ người tài xế/ghế/vô lăng…có thể hình thành trên trục/mô-đun công tắc dẫn đến xảy ra sự phóng điện tại tiếp điểm nối nguồn điện.

Việc hoạt động thiếu kiểm soát của túi khí tài xế có thể gây nguy hiểm cho người lái xe và có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.
GLC là dòng xe SUV hạng sang bán chạy tại thị trường Việt Nam. Chỉ trong vòng hơn nửa năm kể từ khi ra mắt, đã có hơn 1.200 chiếc Mercedes-Benz GLC được giao đến tay khách hàng. Với doanh số này, GLC không chỉ là mẫu xe thành công nhất của Mercedes-Benz mà còn trở thành chiếc xe sang bán chạy nhất Việt Nam.
2 phiên bản GLC tại Việt Nam là GLC250 4Matic và GLC300 4Matic đều được lắp ráp trên dây chuyền mới mà thương hiệu này vừa đầu tư tại Việt Nam và được bán với mức giá lần lượt là 1,789 tỷ và 2,039 tỷ đồng.