Điểm số Geekbench của Cortex-A76 được phát hiện bởi AnandTech, và tin tốt cho ARM là điểm số này ăn đứt CPU cao cấp nhất của Samsung là Exynos 9810, và vượt trên cả Snapdragon 845 vốn được sử dụng trên nhiều thiết bị flagship Android ngày nay.
Tuy nhiên, chip A11 của Apple vẫn chẳng hề xem đó là một mối đe doạ và ung dung đứng ở vị trí số 1 trong bảng kết quả này. Điểm số mà Cortex-A76 đạt được gần như ngang ngửa với chip A10 của Apple, và đến thời điểm các thiết bị Cortex-A76 xuất hiện trên thị trường, Apple cũng sẽ tung ra chip A12, từ đó tiếp tục dẫn trước đến….2 năm so với các đối thủ!
Lợi thế của Apple đến từ việc hãng thiết kế con chip của mình theo hướng desktop – một điều ARM không dám thực hiện. Apple có thể làm điều đó vì hãng này “bán” chip cho chính mình. ĐIều này cho phép họ tiêu từng đồng tiền một vào các vật liệu thô và phát triển được các con chip lớn hơn.
Các nhân Mistral của Apple A11 (nhân hiệu năng cao) lớn hơn các nhân tương ứng của Cortex. Chúng tương đồng về mặt kiến trúc với CPU Core i7 từ Intel – từ quá trình sắp xếp lại bộ nhớ đệm cho đến đầu vào rộng hơn rất nhiều. Chúng trông như các nhân desktop, và luôn được thiết kế nhằm đạt được hiệu năng như desktop. Apple đã làm điều này từ khi chip A7 chuyển lên 64 bit.
 Apple thực ra đã vượt mặt cả Intel ngay thời điểm này, khi mà con chip A11 3-4W của họ đạt được tốc độ tương đương chip Core i5 7267U chạy ở 28W!
Tuy nhiên, cần để ý rằng chip A10 là một SoC, tức bao gồm cả một GPU và một số thành phần khác nữa.
Dù sao thì một sự thật rõ ràng là việc Apple thiết kế chipset cho riêng mình, và đạt được khả năng tích hợp chặt chẽ giữa phần cứng và phần mềm, đã mang lại cho họ những lợi thế không thể chối cãi trong việc tối đa hoá hiệu năng của một thiết bị di động.
Tham khảo: 9to5mac Apple “dụ dỗ” nhiều kỹ sư Intel về đầu quân nhằm chuẩn bị cho các kế hoạch về Mac trong tương lai