Theo VNPT, để sẵn sàng cho đô thị thông minh, tập đoàn tiến hành nâng cấp hạ tầng ICT của thành phố đó gồm thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung, triển khai chính quyền số song song với việc tiếp tục hoàn thiện chính quyền điện tử (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Trước những thách thức ngày một gia tăng mà các đô thị trên thế giới đang phải đối mặt như dân số cơ học tăng nhanh; kinh tế phát triển nhanh nhưng chưa bền vững; việc quản trị đô thị trong đó bao gồm công tác dự báo, quy hoạch điều hành còn nhiều bất cập; chất lượng phục vụ người dân chưa tốt trong khi khi nhu cầu về giáo dục, y tế, giao thông, môi trường, hành chính công ngày càng cao… nhiều quốc gia và thành phố lớn trên thế giới đã chuyển hướng sang việc ứng dụng CNTT và truyền thông như kết nối số, điện toán đám mây, IoT, dữ liệu lớn, di động, mạng xã hội…
Mục tiêu hướng tới là nhằm nâng cao năng lực thu thập, chia sẻ và phân tích dữ liệu phục vụ quản lý đô thị, phát huy hiệu quả nguồn lực con người, công nghệ để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, hình thành xu hướng xây dựng các đô thị thông minh.
Theo định hướng của Chính phủ Việt Nam, có thể lựa chọn nhiều hướng tiếp cận khác nhau cho đô thị thông minh, nhưng vẫn phải xoay quanh 5 mục tiêu chính gồm: đô thị thông minh sẽ giúp tăng trưởng kinh tế cao và bền vững hơn; môi trường sống của người dân tốt hơn; người dân có thể tham gia vào việc quản lý nhà nước và quản lý cuộc sống của chính mình; người dân được phục vụ tốt hơn; và phát triển bền vững kinh tế, tài nguyên thiên nhiên và nhân lực.
VNPT khẳng định, là tập đoàn hàng đầu Việt Nam về Viễn thông – CNTT, để bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, VNPT đã tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng mạng băng rộng và siêu rộng trên cả mạng cố định và di động. Đây chính là yếu tố và cũng là hạ tầng cơ bản của đô thị thông minh. “Trên nền tảng đó, VNPT đưa các công nghệ mới vào vận hành hệ thống băng rộng và cố định để tạo ra các kết nối thông minh và cung cấp các dịch vụ, tiện ích thông minh, cung cấp các dịch vụ ứng dụng CNTT thông minh và quản trị sáng tạo để phục vụ hạ tầng cho một loạt dịch vụ hiện đại, đáp ứng tối đa các nhu cầu phát triển đô thị thông minh”, VNPT cho hay.
Cũng theo VNPT, với mục tiêu cốt lõi của đô thị thông minh là “sử dụng CNTT và truyền thông để nâng cao chất lượng sống, khả năng làm việc, và đảm bảo phát triển bền vững”, trong đó có 6 lĩnh vực trọng tâm được VNPT đề xuất để xây dựng đô thị thông minh cho nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian vừa qua và nhận được đánh giá rất cao của chính quyền sở tại cũng như giới chuyên môn, đó là: Chính quyền số, Du lịch, an ninh an toàn, quy hoạch đô thị, giáo dục, giao thông, y tế và môi trường…
Mặc dù cách tiếp cận là như nhau, nhưng với mỗi thành phố, VNPT lại có những giải pháp riêng sao cho phù hợp với định hướng phát triển của chính quyền sở tại và không làm xáo trộn đời sống sinh hoạt của người dân.
Đại diện VNPT cũng cho biết, tập đoàn tư vấn xây dựng khung kiến trúc tổng thế đô thị thông minh bao gồm kiến trúc khung công nghệ, thực hiện triển khai tích hợp các dịch vụ, từng bước xây dựng hệ sinh thái và đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến các lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, khung giải pháp đô thị thông minh do VNPT xây dựng trên cơ sở nguyên tắc mở để tất cả các đối tác trong và ngoài nước đều có thể tham gia triển khai.
Để sẵn sàng cho đô thị thông minh, VNPT tiến hành nâng cấp hạ tầng ICT của thành phố đó gồm thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung, triển khai chính quyền số song song với việc tiếp tục hoàn thiện chính quyền điện tử, đồng thời lựa chọn các giải pháp ưu tiên trong từng lĩnh vực để triển khai theo lộ trình và thí điểm triển khai dữ liệu mở trên một số lĩnh vực. Các giai đoạn sau này, VNPT sẽ mở rộng các giải pháp đã triển khai trong giai đoạn trước và nâng cao năng lực xử lý, phân tích dữ liệu theo hướng thông minh hơn và mở ra các lĩnh vực khác của đời sống.
Vào tháng 10/2017, VNPT đã hoàn thiện giai đoạn 1 đề án xây dựng đô thị thông minh cho Phú Quốc (Kiên Giang), đưa huyện đảo này chính thức đi vào vận hành và hoạt động như một smart city. Cụ thể, VNPT đã đưa vào triển khai thành công 05 dự án thành phần về chính quyền điện tử, giám sát môi trường, camera giám sát, Smart Wi-Fi và quản lý lưu trú trực tuyến. Với việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ, những giải pháp, dịch vụ do VNPT triển khai đã đem đến nhiều lợi ích thiết thực không chỉ phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền mà còn phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.
Cuối tháng 11/2017, UBND TP.HCM đã chính thức công bố đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025” với mục tiêu đưa TP.HCM trở thành một đô thị thông minh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, và quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở áp dụng các công nghệ mới. Đề án được hoàn thành với sự hỗ trợ, tư vấn của VNPT theo thỏa thuận hợp tác tư vấn khung ký kết giữa hai bên ngày 29/9/2016.
Tính đến thời điểm này, VNPT đã xúc tiến hợp tác, tư vấn triển khai đô thị thông minh cho 27 tỉnh, thành phố, trong đó 21 tỉnh, thành VNPT đã có đề án triển khai tổng thể, chưa kể các dự án trong lĩnh vực giao thông (Smart Transportation), nông nghiệp (Smart Agriculture), du lịch (Smart Tourism)… được triển khai riêng lẻ.
Ở lĩnh vực Du lịch, VNPT đã triển khai phần mềm Du lịch thông minh cho một số tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Vĩnh Long, Huế, Hưng Yên, Hà Nội, Phú Quốc, Huế…VNPT phối hợp xây dựng kiến trúc tổng thế cho du lịch thông minh, đồng thời triển khai ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, điều hành, kết nối với các địa phương, doanh nghiệp trong phát triển du lịch và xây dựng các các sản phẩm công nghệ số phục vụ khách du lịch…