Theo Gizmodo, trong một chuỗi các bài viết ngắn gọn mà vị Tổng thống này đăng tải lên Twitter cuối buổi chiều thứ sáu vừa qua, Donald Trump cho biết ông sẽ cho phép ZTE “tái hoạt động nếu đảm bảo được các tiêu chuẩn an ninh cấp độ cao, chấp nhận thay đổi hội đồng quản trị và bộ máy điều hành”. Thoả thuận này cũng sẽ yêu cầu nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc phải mua sắm các linh kiện từ Mỹ và trả khoản phí lên đến 1,3 tỷ USD.
Tất nhiên, theo đúng phong cách của Trump, vị Tổng thống Mỹ đã nêu tên Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Chuck Schumer, cựu Tổng thống Barack Obama, và thoả thuận hạt nhân Iran – tất cả xuất hiện chỉ trong 2 tweet ngắn gọn thông báo thoả thuận với ZTE được đưa ra bởi Bộ Thương mại.
“Thượng nghị sỹ Schumer và chính quyền Obama đã để cho ZTE phát triển mà chẳng hề thông qua bất kỳ quá trình kiểm tra an ninh nào. Tôi đóng cửa nó và cho nó hoạt động trở lại với những đảm bảo an ninh ở mức cao, cùng thay đổi trong hội đồng quản trị và đội ngũ quản lý, buộc họ phải mua linh kiện của Mỹ và trả phí 1,3 tỷ USD. Đảng dân chủ chẳng làm được gì ngoài than vãn và cản trở. Họ chỉ đưa ra những thoả thuận tồi tệ (Iran) và thứ mà họ gọi là Thoả thuận Thương mại là một trò hề”.
Thoả thuận mà ông Trump đưa ra rõ ràng có lợi cho ZTE – vốn đã sẵn sàng để ngừng mọi hoạt động kinh doanh sau lệnh cấm của chính quyền Trump. Mới tháng trước thôi, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành lệnh cấm 7 năm, không cho phép các công ty Mỹ bán linh kiện cho ZTE. Lệnh cấm này đã tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của ZTE, và nó xuất hiện chỉ vài tháng sau khi cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo rằng Công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE có thể đang sử dụng công nghệ của họ để do thám mọi người dưới sự điều khiển của chính phủ Trung Quốc.
Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn “một mình đứng trên tất cả” – có lẽ nhằm đáp lại lời biện hộ từ lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Với thoả thuận mới này, ZTE không chỉ có thể mua lại linh kiện từ Mỹ, mà họ sẽ bị buộc phải làm vậy. Chi tiết về “các đảm bảo an ninh” vẫn chưa được tiết lộ.
ZTE và Trung Quốc khả năng cao sẽ rất cảm kích công bố này của Trump, trong khi hầu như chẳng có ai trong chính phủ Mỹ lúc nào cảm thấy hài lòng. Các nhà làm luật thuộc cả hai Đảng đang tìm cách công kích Trump sau sự việc này.
Thượng nghị sỹ Marco Rubio cũng sử dụng Twitter để “nói kháy” rằng thoả thuận này là “một món hời” đối với ZTE và Trung Quốc, trong khi chẳng có lợi gì cho Mỹ. “Trung Quốc tiêu diệt các công ty Mỹ một cách không thương tiếc, và họ sử dụng các công ty viễn thông để do thám và ăn cắp từ chúng ta”, Rubio nói, kêu gọi Quốc hội hành động để ngăn chặn thoả thuận này.
“Nếu chính quyền đồng ý thoả thuận này, Tổng thống Trump sẽ giúp biến Trung Quốc vĩ đại trở lại” – Thượng nghị sỹ lãnh đạo phe thiểu số Chuck Schumer, người bị Trump cho rằng không cứng rắn với ZTE nói – “Cả hai đảng trong quốc hội nên cùng nhau hành động để ngăn chặn thoả thuận này đạt được mục tiêu”.
Điều đáng nói trong toàn bộ sự việc này có lẽ là thoả thuận của Trump nhằm cứu lấy ZTE sẽ chẳng thành hiện thực. Theo tờ Washington Post thì các thượng nghị sỹ đang chuẩn bị bầu chọn cho Đạo luật Uỷ quyền Quốc phòng, trong đó có một điều khoản sẽ gây khó khăn cho Nhà Trắng trong việc bãi bỏ các lệnh cấm với ZTE nếu không có sự chấp thuận của Quốc hội, qua đó gây nên một cuộc đối đầu tiềm tàng giữa Trump và Quốc hội trong nỗ lực cứu vãn nạn thất nghiệp tại Trung Quốc.
Minh.T.T