Như vậy là startup Go-Jek của Indonesia đã chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam, với thương hiệu mới là Go-Viet. Hai dịch vụ chính mà Go-Viet sẽ cung cấp là gọi xe hai bánh và đặt giao hàng thông qua ứng dụng di động.
Người dùng sẽ bắt đầu được trải nghiệm ứng dụng Go-Viet vào tháng 7 tới đây, và trước tiên sẽ là tại TP Hồ Chí Minh. Sự xuất hiện của Go-Viet sau khi Uber bị thâu tóm bởi Grab tại thị trường Đông Nam Á, hứa hẹn sẽ đem đến nhiều lợi ích cho cả khách hàng và tài xế. Khi mà trước đó, Grab đang gần như độc chiếm thị trường này và có những động thái chèn ép.
Grab độc chiếm thị trường gọi xe qua ứng dụng di động và những hệ lụy
Sau khi thâu tóm toàn bộ mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, cộng thêm với việc được các ông lớn rót hàng tỷ USD tiền đầu tư, Grab đang trở thành kẻ độc chiếm thị trường gọi xe qua ứng dụng di động tại đây. Tất nhiên, sự độc quyền sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy và người chịu ảnh hưởng xấu nhất chính là khách hàng.
Với việc chiếm được thị phần rất lớn tại Đông Nam Á sau khi thâu tóm Uber, đồng nghĩa với việc Grab không cần “đốt tiền” để tiếp tục cạnh tranh nữa. Hệ quả là khá nhiều chương trình khuyến mãi, mã giảm giá đã biến mất.
Nhiều khách hàng cũng bắt đầu than vãn vì nhiều chuyến đi bất ngờ bị tăng giá cước, đồng nghĩa với việc Grab “âm thầm” móc túi khách hàng nhưng không thông báo rộng rãi đến khách cũng như đối tác tài xế được biết.
Mặc dù đại diện của Grab khẳng định giá tiền chuyến đi vẫn dựa theo hành trình di chuyển mà khách hàng nhập, tuy nhiên Grab sẽ cộng với phụ phí giá linh hoạt dựa trên nhu cầu đi lại và lượng xe hiện có trong khu vực vào thời điểm khách đặt xe.
Trong khi đó, các tài xế của Grab tỏ ra bức xúc khi bị tăng phí từ 15% lên tới 23% trên mỗi chuyến đi. Bên cạnh đó, họ còn phải đóng thuế thu nhập cá nhân nếu thu nhập trên 8,3 triệu đồng.
Go-Jek vào Việt Nam sẽ giúp khách hàng có thêm lựa chọn, giá cước giảm và nhiều khuyến mãi
Go-Jek hay Go-Viet mới bước chân vào thị trường Việt Nam, do đó để có thể cạnh tranh và chiếm thị phần từ tay Grab, sẽ phải tung ra nhiều chương trình khuyến mãi và giảm giá. Các khách hàng cũng sẽ có thêm lựa chọn, thay vì chỉ có một sự lựa chọn duy nhất trước đây.
Trước động thái đó, Grab cũng sẽ phải có những chương trình khuyến mãi giống như khi cạnh tranh với Uber, để giữ chân khách hàng. Do đó, người được hưởng lợi nhất chính là các “thượng đế”.
Tuy nhiên, Go-Viet sẽ chỉ cung cấp dịch vụ gọi xe hai bánh, mà không có xe 4 bánh. Do đó, Grab vẫn độc chiếm dịch vụ gọi xe 4 bánh. Bên cạnh đó, chiến lược kinh doanh của Go-Jek không phải là đốt tiền để chiếm thị phần (ngay cả tại quê nhà Indonesia cũng vậy). Do đó, chúng ta sẽ không thể mong đợi mức giá cước quá thấp đến từ dịch vụ gọi xe này.
Go-Jek vào Việt Nam sẽ tăng ưu đãi đối với các tài xế, giúp họ không phải phụ thuộc vào Grab
Chiến lược kinh doanh của Go-Jek chính là mở rộng thị phần bằng cách tăng ưu đãi đối với các tài xế, tạo ra một đội ngũ tài xế hùng hậu. Đó cũng chính là lý do vì sao Go-Jek chỉ bắt đầu với 10 nhân viên và 20 lái xe ojek, nhưng có thể nhanh chóng chiếm 50% thị phần trong nước với hơn 900.000 tài xế.
Go-Jek có rất nhiều chính sách hỗ trợ các tài xế của mình, ví dụ như hỗ trợ vay vốn để tài xế có thể mua smartphone, đồng phục miễn phí, hỗ trợ các giấy tờ đăng ký để trở thành một tài xế hợp pháp của Go-Jek.
CEO Nadiem Makarim của Go-Jek.
Trong khi Uber thường xuyên coi các tài xế như một bên thứ 3 hoàn toàn độc lập, Go-Jek lại luôn coi họ như một phần của công ty. Tại Indonesia, Go-Jek còn tổ chức các hoạt động tuyển dụng rầm rộ, đi đến từng con phố và gặp gỡ những người lái xe ôm truyền thống.
Các tài xế bị Grab cấm hoạt động mà chuyển sang Uber, giờ đây cũng sẽ có sự lựa chọn mới là Go-Jek. Đáng chú ý, công ty sẽ cung cấp đồng phục miễn phí và dự kiến ​​29.000 đồng (1,27 đô la) cho mỗi tuyến đường như hỗ trợ giá vé cho lái xe.
Sự xuất hiện của Go-Jek tại Việt Nam sẽ trở thành đối trọng của Grab, mặc dù về thị phần và tiềm lực thì hiện tại Grab hoàn toàn vượt trội hơn. Tuy nhiên, đối thủ cạnh tranh đáng gớm này vẫn sẽ khiến Grab phải có những động thái ưu đãi khách hàng và tài xế nhiều hơn.