ZTE ước tính thiệt hại ít nhất tương đương 3,1 tỷ USD từ lệnh cấm vận công nghệ của Mỹ, khiến hãng này bị đình trệ các hoạt động kinh doanh chính, trong khi khách hàng rút khỏi các hợp đồng kinh doanh và chi phí vận hành công ty tăng cao, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, hãng viễn thông và sản xuất điện thoại di động của Trung Quốc đang kỳ vọng sẽ sớm có được một thỏa thuận với Mỹ.
Theo các nguồn thạo tin, một kế hoạch mang tên “T0” đã được ban lãnh đạo công ty đưa ra để sẵn sàng cho các nhà máy đang ngừng hoạt động nhanh chóng trở lại vận hành sau vài giờ, trong trường hợp Washington đồng ý gỡ bỏ lệnh cấm không được mua chip và thành phần linh kiện của Mỹ trong 7 năm. ZTE hiện từ chối bình luận thêm về thông tin này.
ZTE có trụ sở ở Thâm Quyến (Trung Quốc) nhưng lại phụ thuộc nhiều vào các thành phần, linh kiện của Mỹ, trong đó có chip xử lý từ hãng Qualcomm, để sản xuất smartphone và thiết bị mạng. Lệnh cấm của Mỹ bắt nguồn từ việc hãng này vi phạm quy định trừng phạt đối với Iran trước đó.
Với nguy cơ mất hàng tỷ USD doanh thu, lệnh cấm của Mỹ có thể khiến cho ZTE rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện và có nguy cơ phá sản. ZTE chỉ là một trong nhiều nạn nhân bị cuốn vào căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Cách đây vài ngày, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đang xem xét lại các biện pháp phạt với ZTE và có thể chỉ buộc ZTE nộp phạt hơn 1 tỷ USD thay vì cấm vận. ZTE đang phải gánh chịu chi phí vận hành vào khoảng 80 triệu đến 100 triệu Nhân dân tệ mỗi ngày trong khi 75.000 nhân viên phải tạm ngừng mọi hoạt động sản xuất.
Chính phủ Trung Quốc được cho là đang thay mặt ZTE trong các cuộc đàm phán với Mỹ và hãng sẽ buộc phải chấp nhận các điều khoản trong thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Washington dù muốn hay không.
ZTE lần đầu gặp rắc rối vào năm 2016 vì vi phạm luật hạn chế bán công nghệ Mỹ cho Iran, một trong những quốc gia nằm trong danh sách trừng phạt của Washington. Nhiều lo ngại cho rằng Mỹ cũng sẽ áp đặt lệnh cấm tương tự với một công ty viễn thông lớn khác của Trung Quốc là Huawei.